• English
  • VietNamese

“Phố Đông” chuyển mình

04/09/2016

Người ta vẫn ví von Thủ Thiêm là “Phố Đông” của trung tâm Sài Gòn – TPHCM, nhưng nói rộng ra là bao gồm cả khu vực cửa ngõ phía Đông chứ không đơn thuần chỉ có gần 1.000ha Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Khu vực này ngày càng thay da đổi thịt, nếu ai đi qua đây sẽ thấy đại công trình đang tích cực triển khai ngày đêm. Nhiều con đường, khu phố đã và đang hình thành rõ nét từng ngày, tạo nên một sức sống mới trên vùng đất cách đây không xa là đầm lầy, hoang hóa và những dãy phố lụp xụp…

Bứt phá hạ tầng

Thủ Thiêm trước kia cách trung tâm quận 1 chỉ có con sông Sài Gòn với khoảng cách hai bờ vài trăm mét, hàng ngày người dân hai bên bờ muốn qua lại đều phải theo những chuyến phà hay đi vòng qua cầu Sài Gòn đến Bình Thạnh rồi đi quận 1. Chính quyền TP xác định để Thủ Thiêm phát triển không thể không kết nối hai bờ sông bằng những công trình giao thông. Cầu Thủ Thiêm 1 ra đời, tiếp đến là hầm vượt sông Sài Gòn – mà người dân vẫn quen gọi là hầm Thủ Thiêm –  dài nhất Đông Nam Á ra đời. Đây là hai công trình giao thông mang tính lịch sử cho vùng đất Thủ Thiêm nói riêng và khu vực phía Đông TP nói chung. Nếu như trước kia đi từ quận 1 qua Thủ Thiêm bằng đường bộ mất 15 – 20 phút thì hiện nay chỉ mất vài ba phút thông qua hầm vượt sông Sài Gòn.

images661622_b4c

Hàng loạt khu đô thị mới mọc lên thay đổi “Phố Đông” từng ngày.

Sau hai công trình trọng điểm trên, TP tiếp tục kêu gọi đầu tư hàng loạt công trình giao thông khác để kết nối giao thông cũng như tạo nền tảng bứt phá cho cả một khu vực. Đầu tiên là 4 tuyến đường chính ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tiếp đến là cầu Thủ Thiêm 2. Sau khi hoàn thành 4 tuyến đường chính cùng với cầu Thủ Thiêm 1, đại lộ Đông Tây (đoạn qua Thủ Thiêm gồm đường hầm vượt sông Sài Gòn, đường Mai Chí Thọ) và các cầu Thủ Thiêm 2, 3, 4 sẽ hình thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đồng thời, liên kết giao thông với trung tâm TP hiện hữu và các tỉnh lân cận, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông cửa ngõ phía Đông TP. Tổng mức đầu tư 4 tuyến đường chính là hơn 12.182 tỷ đồng, được thanh toán theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng, dự kiến cuối năm nay sẽ làm xong. Theo chủ đầu tư dự án, 4 tuyến đường chính ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm gồm: đại lộ Vòng cung (R1), đường Ven hồ trung tâm (R2), đường Ven sông Sài Gòn (R3) và đường Vùng châu thổ, đường Châu thổ, đường Ven sông – khu dân cư (R4) có tổng chiều dài khoảng 11,9km; trong đó, gồm hệ thống đường giao thông – hạ tầng kỹ thuật, xây dựng 8 cầu qua sông rạch, 2 cầu cạn và 2 kè được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại. Điểm đặc biệt của 4 tuyến đường chính này là hệ thống hạ tầng kỹ thuật được thiết kế đồng bộ và được ngầm hóa như hệ thống thoát nước mưa, nước thải, hệ thống viễn thông, hệ thống điện 110kV và 220kV, hệ thống cấp nước được đi trong hào kỹ thuật…

Một dự án quan trọng khác là đường trục Bắc – Nam, nằm trong khu đô thị mới Thủ Thiêm đoạn từ chân cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ, dự kiến sẽ thông xe vào cuối năm nay. Bà Nguyễn Thị Hữu Hòa, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư – xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cho biết, theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 đã được phê duyệt, khu dân cư phía Bắc gồm khu chức năng số 3 và số 4 có diện tích 89,35ha (trong đó diện tích đất khai thác khoảng 40,95ha) với chức năng chính là nhà ở hỗn hợp, thương mại đa chức năng và một số công trình công cộng như trường học, nhà bảo tàng, trung tâm sinh hoạt cộng đồng … Cùng với khu dân cư phía Bắc, nhà đầu tư sẽ xây dựng đường trục Bắc – Nam, đoạn từ chân cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ, với chiều dài hơn 1km. Đồng thời, xây dựng đường nội bộ trong phạm vi khu chức năng số 3 và 4 dài hơn 8,3km, cùng với hệ thống thoát nước, cấp nước, hệ thống chiếu sáng… Tổng mức đầu tư cho phần hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc và đường trục Bắc – Nam trong Khu đô thị Thủ Thiêm là 3.345 tỷ đồng.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay Thủ Thiêm như một đại công trình được các đơn vị thi công ngày đêm nhằm đẩy nhanh tiến độ. Tại dự án đường trục Bắc – Nam, hiện đang thi công xử lý nền và một số đoạn thì nâng cốt nền. Với tiến độ như hiện nay, dự kiến đến cuối năm 2016 sẽ hoàn thiện và thông xe đường trục Bắc – Nam (đoạn từ chân cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ).

Thu hút đầu tư

Theo Ban Quản lý đầu tư, xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thời gian qua vấn đề khó khăn trong việc thu hút đầu tư vào Thủ Thiêm là chưa có hệ thống hạ tầng chính. Còn hiện nay, hàng loạt dự án “khủng” đã được triển khai tại đây tạo nên một diện mạo mới cho vùng đất này. Tháng 6-2015, liên doanh giữa Công ty cổ phần Tiến Phước, Công ty TNHH Trần Thái và Công ty TNHH Denver Power (UK), công ty thành viên của Quỹ đầu tư GAW Capital Partners được phê duyệt giấy phép đầu tư 1,2 tỷ USD để phát triển Empire City Complex, một khu đất rộng 15ha và sẽ bao gồm một tòa nhà cao 86 tầng, một khách sạn 5 sao, một trung tâm thương mại và một tòa nhà văn phòng. Trong năm 2014, Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc và đối tác Nhật Bản (Mitsubishi và Toshiba) được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn 2 tỷ USD cho dự án Eco Smart City, dự kiến sẽ bao gồm khu thương mại hạng sang, khách sạn, văn phòng và căn hộ trên khu đất rộng 10ha. Bà Dương Thùy Dung, Giám Đốc kiêm Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn tại CBRE Việt Nam, tin rằng để một dự án được ví như “Phố Đông của Sài Gòn” sớm đi vào hoạt động sẽ đòi hỏi phải có những quyết sách mới triệt để hơn. Thủ Thiêm cần được xác định là dự án ưu tiên cấp quốc gia với sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ phía Chính phủ. Hàng loạt dự án khác như The Sun Avenue mặt tiền đường Mai Chí Thọ, Khu Liên hợp thể thao Thạnh Mỹ Lợi, khu phức hợp căn hộ – đô thị mới Lake View, Lexington… cùng với hàng loạt dự án về thương mại, tài chính đang được xúc tiến, triển khai đã làm “Phố Đông” từng bước chuyển mình.

Khu đô thị Thủ Thiêm gồm 8 chức năng:

– Khu chức năng số 1 là khu thương mại dịch vụ đa chức năng. Trong đó, có một số công trình nổi bật như trung tâm tài chính ngân hàng cao 50 tầng, trung tâm hội nghị triển lãm, cầu đi bộ (qua kênh số 1), nhà bảo tàng, nhà hát giao hưởng, trung tâm thông tin quy hoạch, công viên bờ sông, khu phức hợp khách sạn, quảng trường trung tâm…

– Khu chức năng số 2 là khu phức hợp với các chức năng thương mại, dân cư và thể thao, giải trí. Toàn bộ khu vực được chia thành 3 khu nhỏ (2a, 2b, 2c): Khu 2a ở phía Bắc đại lộ Mai Chí Thọ; khu 2b – khu phức hợp tháp quan sát; khu 2c – khu phức hợp thể thao, giải trí. Công trình điểm nhấn quan trọng trong khu chức năng số 2 này là phức hợp tháp quan sát cao 86 tầng.

– Khu chức năng số 3 là một khu dân cư hỗn hợp, nằm dưới chân cầu Thủ Thiêm 1. Điểm nhấn kiến trúc cho khu vực này là nhà bảo tàng và trường học…

– Khu chức năng số 4 là khu dân cư hỗn hợp có mật độ thấp dần về phía bờ sông Sài Gòn và rạch Cá Trê Lớn.

– Khu chức năng số 5 bao gồm khu công trình công cộng, trong đó có cung thiếu nhi, tòa nhà cơ quan hành chính đô thị…

– Khu chức năng số 6 nằm dọc theo đại lộ Mai Chí Thọ. Khu chức năng này có  công viên phần mềm và một bệnh viện quốc tế.

– Khu chức năng số 7 là khu nhà cao tầng trung bình và khu khách sạn nghỉ dưỡng. Ngoài ra, còn có khu phức hợp bến du thuyền và quần thể khu thương mại…

– Khu chức năng số 8 là khu phát triển đa dạng sinh học.

ĐỖ TRÀ GIANG

Source: sggp.org.vn

Tin tức & Sự kiện